Thiết kế König_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Các đặc tính chung

Sơ đồ và mặt cắt của lớp König, như được mô tả trong Jane's Fighting Ships 1919

Những chiếc trong lớp König có chiều dài 174,7 m (573 ft; 6.880 in) ở mực nước và chiều dài chung là 175,4 m (575 ft; 6.910 in). Với mạn thuyền rộng 29,5 m (97 ft), độ sâu của mớn nước trước mũi là 9,19 m (30,2 ft) và sau đuôi là 9,0 m (29,5 ft), chúng được thiết kế với trọng lượng choán nước thông thường là 25.796 t (25.389 tấn Anh), nhưng tải trọng tối đa trong chiến đấu lên đến 28.600 t (28.100 tấn Anh). Lườn tàu được cấu trúc từ những khung thép ngang và dọc, trên đó các tấm thép thân tàu được ghép lên bằng đinh tán. Lườn tàu có tất cả 18 ngăn kín nước, lớp đáy kép chiếm 88% chiều dài lườn tàu.[4]

Hải quân Đức đánh giá những chiếc trong lớp tàu này "là những con tàu đi biển rất tốt."[5] Chúng chịu đựng sự mất tốc độ đôi chút khi biển động, và khi bẻ bánh lái gắt, các con tàu mất cho đến 66% tốc độ và nghiêng trên 8°. Những chiếc thiết giáp hạm này có chiều cao khuynh tâm 2,59 mét (8,5 ft; 102 in). Grosser Kurfürst, Markgraf và Kronprinz mỗi chiếc có một thủy thủ đoàn tiêu chuẩn gồm 41 sĩ quan và 1095 thủy thủ; riêng König, trong vai trò soái hạm của Hải đội 3,[6] được bổ sung thêm 14 sĩ quan và 68 thủy thủ. Các con tàu mang theo nhiều xuồng nhỏ, bao gồm một xuồng gác, ba xuồng chỉ huy, hai xuồng đổ bộ, hai xuồng yawl và hai xuồng nhỏ.[5]

Động lực

Nguyên thủy lớp thiết giáp hạm König được dự định vận hành bằng hai bộ động cơ turbine cho hai trục bên ngoài, trong khi trục giữa sẽ sử dụng một động cơ diesel MAN 6 xy lanh 2 thì cung cấp một công suất 12.000 shp (8,9 MW) ở tốc độ vòng quay 150 vòng mỗi phút.[7] Tuy nhiên, việc phát triển động cơ diesel bị kéo dài, nên người ta quyết định chỉ trang bị động cơ diesel cho Grosser Kurfürst và Markgraf.[7] Cuối cùng, động cơ diesel đã không được trang bị cho bất kỳ chiếc nào trong lớp König.[7] Thay vào đó chúng được gắn ba bộ turbine hơi nước Parsons (cho König và Kronprinz), AEG-Vulcan (cho Grosser Kurfürst), hoặc Bergmann (cho Markgraf), vận hành bachân vịt ba cánh đường kính 3,8 m (12 ft; 150 in).[8] Hơi nước được cung cấp từ ba nồi hơi đốt dầu và 12 nồi hơi đốt than đều của hãng Schulz-Thornycroft, hoạt động ở áp lực 16 atmosphere.[8]

Hệ thống động lực được thiết kế có công suất chung 31.000 shp (23 MW); khi chạy thử máy các con tàu đạt được từ 41.400 đến 46.200 mã lực.[8] Tốc độ dự định là 21 kn (39 km/h). Các con tàu có tầm xa hoạt động 8.000 nmi (15.000 km) ở tốc độ đường trường 12 kn (22 km/h), bị giảm còn 4.000 nmi (7.400 km) ở tốc độ 18 kn (33 km/h). Chúng mang theo tối đa 3.000 tấn than và 600 tấn dầu.[4] Mỗi con tàu có hai bánh lái. Điện năng sử dụng trên tàu được cung cấp bởi bốn máy phát turbine và một cặp máy phát diesel, với tổng công suất điện là 2.040 kW ở điện thế 225 volt.[5]

Vũ khí

Các tháp pháo phía đuôi của Grosser Kurfürst

Những chiếc trong lớp König mang theo mười khẩu pháo SK 30,5 cm (12,0 in) L/50[Ghi chú 3] đặt trên năm tháp pháo nòng đôi.[5] Hai tháp pháo được bố trí bắn thượng tầng phía trước cấu trúc thượng tầng, tháp pháo thứ ba đặt ở giữa hai ống khói ngay trên trục giữa, còn tháp pháo thứ tư và thứ năm bắn thượng tầng phía đuôi tàu phía sau tháp chỉ huy đuôi. Mỗi tháp pháo có phòng tiếp đạn ngay bên dưới, nối liền với một thang nâng xoay được dẫn đến hầm đạn bên dưới. Các tháp pháo được vận hành bằng điện, nhưng các khẩu pháo được nâng bằng thủy lực. Trong một cố gắng nhằm giảm thiểu khả năng cháy, mọi thứ trong tháp pháo đều được làm bằng thép.[9] Đây là một sự cải thiện so với lớp Kaiser khi cả mười khẩu pháo có thể bắn trên một góc rộng qua mạn tàu và bốn khẩu có thể bắn thẳng ra phía trước thay vì chỉ có hai như trên lớp Kaiser. Các khẩu pháo được cung cấp 900 quả đạn, tức 90 viên cho mỗi khẩu.[5] Pháo 30,5 cm có tốc độ bắn 2 đến 3 quả đạn pháo xuyên thép nặng 405,5 kg (894 lb) mỗi phút, và được hy vọng có thể bắn đến 200 quả đạn trước khi cần được thay thế. Chúng cũng có khả năng bắn đạn phá nặng 405,9 kg (895 lb); cả hai loại đạn pháo đều có thể sử dụng hai loại liều thuốc phóng: liều RP C/12 chính đặt trong vỏ đồng nặng 91 kg (201 lb), và liều RP C/12 trước chứa trong bao lụa nặng 34,5 kg (76 lb). Thuốc phóng có thể cung cấp lưu tốc đầu đạn cho đến 855 m/s (2.805 ft/s). Các tháp pháo trên những chiếc thuộc lớp König thoạt tiên có thể nâng lên cho đến góc 13,5°, cho phép có được tầm bắn tối đa 16.200 m (17.700 yd); sau khi được cải biến, góc nâng của chúng tăng lên 16°, làm tăng tầm bắn tối đa tương ứng lên 20.400 m (22.300 yd).[10]

Dàn pháo hạng hai của các con tàu bao gồm mười bốn khẩu pháo 15 cm (5,9 in) SK L/45 đặt trên các tháp pháo ụ MPL C/06.11 bố trí hai bên mạn của sàn trên.[11] Những khẩu pháo này được dự định trong vai trò phòng thủ chống lại tàu phóng lôi đối phương, và được cung cấp 160 quả đạn pháo mỗi khẩu, tổng cộng 2.240 quả. Các khẩu pháo này có thể bắn mục tiêu ở cách xa 13.500 m (14.800 yd), và sau khi được cải biến vào năm 1915, tầm bắn được tăng lên 16.800 m (18.400 yd). Chúng có tốc độ bắn từ 5 đến 7 phát mỗi phút; đạn pháo nặng 45,3 kg (100 lb) được nạp liều thuốc phóng RPC/12 nặng 13,7 kg (30 lb) đặt trong vỏ đồng, cho một lưu tốc đầu đạn 835 m/s (2.740 ft/s). Tuổi thọ của nòng pháo được ước tính khoảng lần bắn trước khi cần phải thay thế.[11]

Lớp König cũng mang theo sáu khẩu SK L/45 8,8 cm (3,5 in); tất cả đều được đặt trong tháp pháo ụ, và đều bố trí hai bên tháp chỉ huy phía trước và đều hướng ra trước. Chúng được cung cấp tổng cộng 1.200 quả đạn pháo, tức 200 quả mỗi khẩu,[5] và có thể bắn 15 phát mỗi phút. Loại đạn phá bắn bởi kiểu pháo này nặng 10 kg (22 lb) và được nạp liều thuốc phóng RPC/12 3 kg (6,6 lb). Các khẩu pháo này có tuổi thọ nòng pháo khoảng 7.000 phát đạn.[12] Kiểu pháo này sau đó được tháo dỡ, thay thế bằng bốn khẩu 8,8 cm SK L/45 phòng không, được bố trí hai bên tháp chỉ huy phía sau.[5]

Theo thông lệ của các tàu chiến chủ lực vào thời đại dreadnought, các con tàu được trang bị năm ống phóng ngư lôi ngầm 50 cm (20 in), gồm một ống trước mũi và hai ống mỗi bên mạn tàu; chúng được cung cấp 16 quả ngư lôi.[5] Ngư lôi này thuộc kiểu G7, dài 7,02 m (23,0 ft; 276 in) và được trang bị đầu đạn nổ nặng 195 kg (430 lb). Ở tốc độ 37 kn (69 km/h), ngư lôi có tầm hoạt động 4.000 m (4.400 yd); và nếu ở tốc độ 27 kn (50 km/h), tầm hoạt động được tăng lên hơn gấp đôi, đến 9.300 m (10.200 yd).[13]

Vỏ giáp

Những chiếc trong lớp König được bảo vệ bằng giáp thép Krupp, như là tiêu chuẩn dành cho mọi tàu chiến Đức đương thời. Đai giáp dày 350 mm (14 in) tại vùng thành trì trung tâm, nơi những thành phần thiết yếu nhất của con tàu được bố trí, bao gồm hầm đạn và các khoang động cơ. Độ dày của đai giáp mỏng dần ở những nơi ít quan trọng, còn 180 mm (7,1 in) phía mũi và 120 mm (4,7 in) phía đuôi tàu; bản thân mũi và đuôi tàu hoàn toàn không được vỏ giáp bảo vệ. Một vách ngăn chống ngư lôi dày 40 mm (1,6 in) chạy dọc suốt chiều dài lườn tàu, được đặt cách nhiều mét phía sau đai giáp chính. Sàn bọc thép chính có chiều dày đến 60 mm (2,4 in) ở hầu hết các nơi, được tăng lên 100 mm (3,9 in) tại các khu vực trọng yếu của con tàu.[5]

Tháp chỉ huy phía trước được bảo vệ bằng lớp giáp mạnh; có các mặt hông dày 300 mm (12 in) và nóc dày 150 mm (5,9 in); tháp chỉ huy phía sau được bảo vệ kém hơn đáng kể, với các mặt hông dày 200 mm (7,9 in) và nóc dày 50 mm (2,0 in). Dàn pháo chính cũng được bảo vệ bằng lớp giáp mạnh: dày 300 mm (12 in) ở mặt bên và 110 mm (4,3 in) trên nóc. Các khẩu pháo 15 cm được bảo vệ bởi lớp giáp 170 mm (6,7 in) cho bệ và 80 mm (3,1 in) cho các tấm chắn.[5]